Các nhà lập pháp ở Stockholm đã phê chuẩn một hiệp ước quốc phòng gây tranh cãi với Washington, cho phép quân đội Mỹ được triển khai tới 17 căn cứ quân sự và địa điểm huấn luyện của Thụy Điển.
Các nhà phê bình đã chỉ trích thỏa thuận này vì không cấm rõ ràng việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở quốc gia Bắc Âu.
Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) đã được ký kết giữa Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào tháng 12 năm ngoái, nhưng cần có sự chấp thuận của quốc hội để có hiệu lực.
Vào ngày 18/6, các nhà lập pháp ở Stockholm đã bỏ phiếu ủng hộ DCA với tỷ lệ áp đảo, trong đó 266 thành viên quốc hội bỏ phiếu ủng hộ và 37 thành viên phản đối, trong khi 46 thành viên vắng mặt.
Thỏa thuận này đã bị các đảng Cánh tả và Xanh phản đối. Họ yêu cầu các điều khoản phải nêu rõ ràng rằng Thụy Điển sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi muốn luật nêu rõ việc cấm vũ khí hạt nhân được đưa vào lãnh thổ Thụy Điển", nghị sĩ Đảng Xanh Emma Berginger nói trước quốc hội, lập luận rằng thỏa thuận mới "không đóng cửa đối với vũ khí hạt nhân".
Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển, một tổ chức phi lợi nhuận phản chiến lớn, đã chỉ trích động thái này là làm gia tăng căng thẳng và rủi ro an ninh cho Thụy Điển. Họ cho rằng thỏa thuận này đi ngược lại với kỳ vọng của cử tri về một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.
"Không giống như các hiệp ước DCA của Na Uy và Đan Mạch, thỏa thuận này của Thụy Điển không có điều khoản bảo lưu nào đối với vũ khí hạt nhân", lãnh đạo hiệp hội, Kerstin Bergea, viết trong một bài báo sau cuộc bỏ phiếu.
Bergea chỉ ra rằng nước láng giềng Phần Lan của Thụy Điển, gia nhập NATO vào năm 2022, có luật quốc gia cấm vũ khí hạt nhân được triển khai lãnh thổ của mình và hiệp ước DCA của họ với Mỹ cũng đề cập đến điều đó.
Thụy Điển, một thành viên gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu kể từ tháng 3, sẽ cho phép quân đội, phương tiện và máy bay Mỹ đi qua lãnh thổ mà không bị cản trở. Lầu Năm Góc cũng sẽ được phép thiết lập các cơ sở riêng tại các căn cứ quân sự hiện có của Thụy Điển. Sự hiện diện của nhân viên Mỹ sẽ được quy định bởi Mỹ chứ không phải luật pháp địa phương.
Đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nhiều đợt mở rộng của NATO khiến châu Âu trở nên kém an toàn hơn. Ông nhấn mạnh, Moscow không có tranh chấp lãnh thổ hay vùng căng thẳng nào với các thành viên mới của khối là Thụy Điển hoặc Phần Lan, đồng thời thừa nhận cơ sở hạ tầng quân sự của NATO chắc chắn sẽ được đặt trên lãnh thổ của các nước này.
"Stockholm và Helsinki cần hiểu rằng điều này sẽ dẫn đến hậu quả cho an ninh của chính họ", ông Peskov cho biết.